Với mục tiêu tạo chuyển biến tích cực trong công tác bảo vệ môi trường trong những năm tới, Thành ủy Hà Nội đã thông qua Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 31/5/2017 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2020 và những năm tiếp theo.
​Theo đó, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, bám sát chỉ đạo của Trung ương và của Thành ủy, các cấp, các ngành, Thành phố Hà Nội (Thành phố) đã xác định rõ các mục tiêu cụ thể, như: đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, mục tiêu quốc gia về bảo vệ môi trường; tận dụng các nguồn lực đầu tư các công trình hạ tầng kĩ thuật về môi trường, khuyến khích đầu tư bảo vệ môi trường bằng nguồn vốn xã hội hóa; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô về bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;…
Bảo vệ môi trường nước mặt và sử dụng bền vững tài nguyên nước của Thủ đô

 

 

Trước mắt, Thành phố Hà Nội sẽ tập trung ưu tiên các dự án cải thiện chất lượng nước tại các hồ trên địa bàn Thành phố và xử lý tình trạng ô nhiễm nước tại các sông: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét, Cầu Bây,… đảm bảo các tiêu chí về thoát nước, bảo vệ môi trường và cảnh quan.

 

Trong đó, Thành phố sẽ điều chỉnh nâng cao độ mặt nước các sông, hồ đã được xử lý phù hợp thực tế để đảm bảo cảnh quan môi trường và phục vụ điều hòa cấp thoát nước tưới tiêu; thiết lập hành lang bảo vệ và khai thác hợp lý nguồn nước mặt; nghiên cứu đề xuất các chương trình, dự án cải tạo, nâng cấp, xử lý và làm sạch nguồn nước, phục hồi môi trường các h, ao, kênh, mương, đoạn sông đang bị cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố (tập trung các giải pháp làm "làm sống" lại dòng sông Tô Lịch và 03 dòng sông phía Tây Thành phố gồm Sông Tích, sông Đáy, sông Nhuệ).

 

Bên cạnh đó, Thành phố sẽ triển khai đồng bộ chương trình thu gom và xử lý nước thải trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy giai đoạn từ 2017 - 2020, các chương trình chống ngập, khơi thông dòng chảy tại sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch, sông Tích,… Đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình xử lý nước thải khu vực nội thành như: nhà máy xử lý nước thải Phú Thượng, Hồ Tây; dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, Phú Diễn và Phú Đô lưu vực S1, S2, S3, S4;…

 

Quản lý có hiệu quả chất thải rắn và chất thải nguy hại

 

Theo mục tiêu đề ra đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thành phố phấn đấu tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom, xử lý khu vực đô thị đạt 100%, khu vực nông thôn đạt 95 - 100%; phấn đấu giảm tỷ lệ chôn lấp rác thải còn 30%, tăng tỷ lệ rác thải được tái chế theo công nghệ tiên tiến hiện đại; phấn đấu thu gom 100%, xử lý 80% chất thải rắn công nghiệp, trong đó, 100% chất thải công nghiệp nguy hại và chất thải y tế phải được thu gom, xử lý; 100% phế thải xây dựng được thu gom tập kết đúng nơi quy định.

 

Cùng đó, Thành phố khẩn trương hoàn thiện kế hoạch di dời 117 cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường tại địa bàn 12 quận, huyện; trong đó, di dời ngay 17 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã có chủ trương ra khỏi khu vực nội thành.

 

Đồng thời, tiếp tục có kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường tại 18 huyện, thị còn lại của Thành phố và có biện pháp xử lý các cơ sở vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

 

Báo động về tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội

 

Trong năm 2016, Hà Nội trải qua 8 đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng. Chỉ số ô nhiễm bụi PM 2.5 ở Thủ đô cao gần gấp 2 lần TP.HCM.

 

Đứng trước tình hình đó, Thành ủy Hà Nội đề nghị Thành phố kiểm soát chặt chẽ các biện pháp bảo vệ môi trường, 100% các công trường xây dựng phải được che chắn và áp dụng các biện pháp giảm bụi; 100% cơ sở khai thác và chế biến khoáng sản có các giải pháp bảo vệ môi trường đảm bảo quy định hiện hành; 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh khí thải phải trang bị và hoạt động thường xuyên thiết bị giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí.

 

Thành phố khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, sử dụng vật liệu xây dựng không nung; giảm dần, tiến tới không sản xuất vật liệu nung theo lộ trình của Chính phủ, đồng thời, quy hoạch tập kết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đá xẻ về khu tập trung và áp dụng các biện pháp, công nghệ nhằm giảm thiểu ô nhiễm bụi.

 

Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội đề nghị nâng cao hiệu quả và trách nhiệm của các cơ quan Đăng kiểm về kiểm soát soát chặt chẽ nguồn phát thải của các phương tiện giao thông; xây dựng lộ trình thực hiện áp dụng khí thải mức 4, mức 5 trên địa bàn Hà Nội; xây dựng hạ tầng kỹ thuật giao thông đồng bộ, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng;…

 

Ngoài ra, Thành phố sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ chương trình trồng 1 triệu cây xanh trên địa bàn Thành phố; quản lý việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh trong các vườn hoa, công viên, quảng trường, các tuyến đường, phố,…

Cũng theo đó, để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, cấp ủy các cấp cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào chương trình công tác; chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức phong trào toàn dân bảo vệ môi trường nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân trong trách nhiệm bảo vệ môi trường; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát môi trường; đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiến bộ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;…